Nhiếp ảnh thiên văn – Hướng dẫn cho người bắt đầu

Trước khi chúng ta bắt đầu, bạn cần phải hiểu rằng chụp ảnh thiên văn tốn nhiều thời gian và cần thực hành nhiều để đạt được kết quả tốt, vì vậy đừng nản lòng nếu như bạn không có bức ảnh như ý muốn ở lần chụp đầu tiên.

Để giúp bạn hiểu hơn và bắt đầu đầy tự tin, Máy Ảnh Tốt sẽ hướng dẫn bạn cách chụp những ngôi sao.

Thiết bị chụp ảnh và phụ kiện

Máy ảnh

Bạn sẽ cần một máy ảnh DSLR hoặc máy ảnh cho phép bạn điều khiển thủ công tốc độ màn trập, khẩu độ và ISO. Một máy ảnh tự động sẽ không sử dụng được trong tình huống này.

Ống kính

Bạn sẽ cần một ống kính có khẩu độ lớn. Đó là chỉ số “f” được in trên ống kính. Nhiều máy ảnh hiện nay cũng cho phép bạn xem và điều chỉnh khẩu độ ngay trên máy. Điều này sẽ kiểm soát lượng ánh sáng đi qua ống kính của bạn. Bởi vì bạn sẽ chụp vào ban đêm, một ống kính có độ mở lớn (số f nhỏ) sẽ tốt hơn.

Tripod (chân máy ảnh)

Đặc thù của chụp thiên văn là bạn phải phơi sáng lâu, cần đặt máy ảnh ở một vị trí cố định, không rung lắc. Do đó bạn cần một tripod, càng chắc chắn càng tốt. Chụp ngoài trời nên sẽ có nhiều cơn gió thổi qua, bất kỳ sự rung máy nào cũng sẽ dẫn đến ảnh bị mờ.

Tripod máy ảnh là gì?

Remote (điều khiển từ xa)

Remote là một công cụ hữu ích trong túi máy ảnh. nó sẽ giúp tránh rung lắc khi bạn nhấn nút chụp trên thân máy. Nếu bạn không có remote, bạn cũng thể giải quyết vấn đề này bằng cách sử dụng chức năng hẹn giờ chụp, có thể chọn hẹn giờ 2 giây. Tuy nhiên, bạn vẫn cần một cái remote nếu muốn kích hoạt chế độ Bulb – cho phép phơi sáng lâu hơn 30 giây.

Đèn pin

Đây là một phụ kiện thú vị bạn nên mang theo ở buổi chụp đêm. Khi phơi sáng dài, bạn có thể sử dụng đèn pin để vẽ các biểu tượng bên trong khung ảnh, hoặc bạn có thể chiếu sáng làm nổi bật chủ thể, và rất nhiều sáng tạo khác với đèn pin mà bạn chắc hẳn đã bắt gặp ở nhiều bức ảnh khắp nơi trên internet.

hướng dẫn chụp bầu trời sao

Chọn địa điểm

Bầu trời đêm

Địa điểm là rất quan trọng khi nói đến chụp ảnh thiên văn. Bạn cần tìm nơi tối nhất có thể, đó là nơi cách xa thành phố, không bị ô nhiễm ánh sáng. Bởi ánh sáng từ những ngôi sao rất yếu ớt, ánh sáng phức tạp từ thành phố sẽ làm cho việc nhìn thấy chúng khó khăn hơn. Ở một số nước có nơi gọi là “khu bảo tồn bầu trời tối quốc tế” (international dark sky reserve), còn ở Việt Nam chúng ta thì các bạn cứ ra ngoại ô cũng dược, nhưng nhớ rủ thêm vài người bạn để đảm bảo an toàn.

Thêm đối tượng vào ảnh

Đi chụp sao thì tất nhiên sao là chủ thể chính rồi, nhưng nếu bạn có một đối tượng khác ở phía trước, bức ảnh sẽ trở nên sinh động hơn. Bạn có thể đi khảo sát địa điểm trước khi chụp, nếu ở đó có một ngôi nhà nhỏ hay một cái cây đẹp thì bức ảnh của bạn sẽ rất tuyệt vời.

Cài đặt máy ảnh

Tốc độ màn trập

Bạn cần điều chỉnh thời gian phơi sáng lâu (tốc độ màn trập chậm) khi chụp ảnh thiên văn, điều này sẽ giúp cảm biến máy ảnh có đủ thời gian khi lại những chấm sáng nhỏ từ ngôi sao. Thông thường một bức ảnh chụp sao sẽ dao động trong khoảng từ 20 đến 30 giây.

Để tránh xuất hiện “vệt sao”, bạn hãy sử dụng quy tắc 600. Bởi vì chúng ta đứng yên trên trái đất, và trái đất thì quay tròn, các ngôi sao sẽ di chuyển rất chậm trên bầu trời. Nếu bạn phơi sáng lâu hơn, thì các ngôi sao di chuyển sẽ tạo nên vệt sáng. Nếu bạn muốn tránh điều đó, hãy chia 600 cho độ dài tiêu cự bạn đang chụp. Ví dụ ở đây bạn sử dụng một ống kính có tiêu cự 16mm, 600/16 = 37,5 có nghĩa là tốc độ màn trập bạn sử dụng không nên quá 37 giây nếu không muốn xuất hiện vệt sao trong ảnh.

Nhưng mặt khác, nếu mục đích của bạn là chụp những vệt sao thì lời khuyên trong trường hợp này là chụp một loạt ảnh, hết bức này đến bức khác. Thường thì mọi người sẽ chụp một loạt 100 ảnh và tạo dấu vết sao trong quá trình xử lý hậu kỳ (ở cuối bài này sẽ đề cập đến).

Khẩu độ

Khi chụp sao thì bạn hãy để khẩu độ lớn nhất mà ống kính bạn cho phép (số “f” nhỏ nhất). Điều này sẽ cho lượng ánh sáng lớn nhất vào máy ảnh của bạn, cho phép bạn chụp với ISO thấp hơn; hoặc bạn có thể khép khẩu lại một chút và giảm tốc độ màn trập chậm hơn (nhưng đừng quá quy tắc 600 ở trên). 

ISO

ISO của bạn thường sẽ nằm trong khoảng từ 800 – 2000. Cố gắng giữ ISO càng thấp càng tốt để bức ảnh của bạn sẽ trông sạch hơn, ít nhiễu hơn.

Điểm lấy nét

Lúc này hãy chuyển qua chế độ lấy nét thủ công và điều chỉnh nó thành vô cực, đây là cách an toàn nhất để chụp các vật ở xa (như ngôi sao). Hầu hết trên các ống kính đều có ký hiệu nhận biết điểm vô cực, đó là ““, “L” hoặc “I“, nằm ngay trên vòng lấy nét. Sau khi cài đặt, chụp ảnh và sau đó phóng to các ngôi sao bằng màn hình LCD và nút kính lúp ở mặt sau của máy ảnh. Nếu nó không sắc nét 100%, hãy thử điều chỉnh tiêu cự một chút và chụp một bức khác. Lặp lại cho đến khi các ngôi sao thật rõ nét. 

Nếu bạn muốn lấy nét vào cái cây hoặc chủ thể khác ở phía trước, hãy chuyển máy sang chế độ lấy nét tự động, chiếu đèn pin vào đối tượng, bấm nút lấy nét vào đó, chuyển lại chế độ lấy nét thủ công. Và phơi sáng bình thường như các thông số đã nêu trong bài.

Chế độ chống rung (ổn định hình ảnh)

Một số ống kính có tùy chọn này và bạn nên tắt nó đi. Nếu không ống kính (hoặc chống rung trong thân máy) sẽ liên tục cố gắng tự ổn định mọi rung lắc. Điều này là không cần thiết khi bạn đã có một chân máy vững vàng. Chế độ chống rung đôi khi còn khiến ảnh của bạn không được sắc nét.

chụp ảnh vệt sao đêm

Xử lý hậu kỳ

Lightroom

Đừng thất vọng nếu hình ảnh bạn chụp được không giống như đã thấy trên internet hoặc các tạp chí. Khi nói đến chụp ảnh thiên văn, có rất nhiều điều kỳ diệu xảy ra trong phần xử lý hậu kỳ. Đó là lúc nhiếp ảnh gia điều chỉnh các thông số quan trọng như những điểm nổi bật, tông màu, độ tương phản, độ phơi sáng và thậm chí tăng cường sự rõ nét để giúp các ngôi sao “bật sáng” lên.

Photoshop

Nếu bạn chụp một loạt ảnh sao vì mục đích là tạo các vệt sao thì hãy import tất cả ảnh vào Lightroom. Sau đó xử lý một ảnh cho tới khi bạn ưng ý, áp dụng chỉnh sửa cho tất cả những ảnh còn lại. Tiếp đó là mang chúng vào Photoshop dưới dạng layer. Trừ layer nằm dưới cùng, những layer còn lại hãy chuyển sang chế độ Lighten. Và giờ hãy ngắm thành quả của bạn.

hướng dẫn tạo vệt sao
hướng dẫn tạo vệt sao

Sau bài này bạn đã thấy chụp ảnh sao đêm không khó như bạn nghĩ, chỉ cần bạn kiên trì và thực hành nhiều sẽ có những bức ảnh ưng ý. Đồng thời một buổi chụp đêm cũng mang lại nhiều cảm giác thú vị, những cũng nhớ giữ an toàn cho bản thân khi ra ngoài vào ban đêm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *